Bất động sản đang hồi phục, những con số lợi nhuận hào nhoáng khiến địa ốc trở thành miếng bánh hấp dẫn, nhiều doanh nghiệp "ngoại đạo" âm thầm nhảy vào. Bên cạnh các đại gia bất động sản như Tập đoàn Novaland, Tập đoàn Hà Đô, Kim Oanh... tích cực gom đất thì các ông lớn ngoài ngành như Hoa Sen, Hòa Phát, Minh Phú,… cũng không ngần ngại lao vào cuộc đua phát triển quỹ đất làm dự án.

Trào lưu "lấn sân" đang trở nên sôi động trong thị trường địa ốc

Thị trường bất động sản hiện vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng đây cũng là cơ hội cho những doanh nghiệp "mạnh vì gạo bạo vì tiền" gia tăng quỹ đất, M&A những dự án tiềm năng với mức giá tốt. Theo đánh giá của các chuyên gia, rất có thể sau giai đoạn khó khăn, thị trường bất động sản sẽ xuất hiện một lớp đại gia bất động sản mới.

Một trong những động thái rõ ràng cho quyết tâm tìm động lực mới trong năm 2024 của Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghệ HVC được thành lập bởi HVH - doanh nghiệp chuyên thi công, lắp đặt công trình, là góp vốn thành lập công ty mới hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản, du lịch, nghỉ dưỡng. Được biết, HVH góp vốn thành lập Công ty TNHH Đầu tư HVC và Hồ Gươm Hòa Bình với vốn điều lệ 150 tỷ đồng, trong đó HVC Group góp 105 tỷ đồng, tương đương 70%. Còn lại thuộc CTCP Tập đoàn Hồ Gươm.

Mới đây nhất, thông tin Tập đoàn Hòa Phát đã chính thức ký biên bản ghi nhớ về việc nghiên cứu đầu tư đến 3 dự án tại Khu Kinh tế Nam Phú Yên với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 120.000 tỷ đồng. Các dự án bao gồm: Cảng Bãi Gốc; Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Tâm; và Dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát tại Khu công nghiệp Hòa Tâm. Trong năm 2023, Tập đoàn này từng trúng thầu 2 dự án đô thị ở Hưng Yên và Phú Thọ có tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Hòa Phát cũng "tham vọng" đề xuất đầu tư, tài trợ quy hoạch các dự án hàng trăm hecta ở các tỉnh khác như Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Hải Dương, Cần Thơ, Thừa Thiên Huế, Phú Yên và Đắk Nông.

Thị trường bất động sản đang thu hút nhiều đại gia "ngoại đạo", giúp tình hình chung ngày càng sôi động hơn

Phenikaa A&A Group - Tập đoàn mẹ của nhà sản xuất đá thạch anh Vicostone (mã VCS) “âm thầm” lấn sân bất động sản sau khi ra mắt dự án Endless Skyline Westlake gần Hồ Tây, Hà Nội với giá khoảng hơn 900 tỷ đồng, mục đích phát triển tổ hợp văn phòng, khách sạn và căn hộ cao cấp.

Thực tế, chuyện các nhà thầu bẻ lái sang bất động sản không còn quá xa lạ. Trước đó, hàng loạt các ông lớn xây dựng như Ricons, Newtecons, Fecon, Coteccons... cũng lần lượt xuất hiện trong vai trò trực tiếp đầu tư dự án. Ngày càng nhiều "tân binh" triển khai hàng loạt dự án hạ tầng với quy mô lớn và nguồn tiền đổ mạnh vào bất động sản được kỳ vọng sẽ tạo động lực giúp thị trường bất động sản tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2024 và các năm sau. 

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhận xét: "Hàng loạt dự án mới được triển khai kỳ vọng sẽ góp phần phá băng thị trường, giải quyết được phần nào nhu cầu về nhà ở, nhu cầu nghỉ dưỡng của người dân cả nước và du khách nước ngoài".

XEM THÊM: Thời của sale bất động sản đã đến, thu nhập "khủng" 9 chữ số

Tiến sĩ  Nguyễn Văn Đính có những phát biểu về thị trường "nóng hổi" gần đây

Cơ hội luôn đi kèm với rủi ro

Theo quy luật, ở nơi nào hấp dẫn thì nơi đó cạnh tranh cũng hết sức khốc liệt và sự đào thải sẽ diễn ra với bất cứ doanh nghiệp nào nếu không có đủ tiềm lực. Với thị trường bất động sản hiện nay, chu kỳ mới đang bắt đầu và đang có sự tái cơ cấu mạnh mẽ thì doanh nghiệp buộc phải có thực lực về tài chính mới có thể làm được dự án. Do vậy, chỉ những doanh nghiệp có sức khoẻ tài chính tốt, chiến lược phát triển an toàn, bền vững mới có thể tham gia "sân chơi" bất động sản.

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế nhận định: "Với bất động sản, hiện tại không hẳn dành cho doanh nghiệp có nhiều dự án, mà là doanh nghiệp có thực lực tài chính. Vừa qua thị trường đã thanh lọc những doanh nghiệp yếu kém, rất nhiều doanh nghiệp rời bỏ thị trường sẽ tạo cơ hội cho các "tân binh" có sẵn tài chính để săn quỹ đất mới".

Đơn cử với hàng loạt đại gia thuỷ sản như Nam Việt (ANV), Thủy sản Sài Gòn (SSN), Hùng Vương (HVG) cũng từng "ngậm trái đắng". Còn nhớ vào tháng 4/2023, ANV bất ngờ thông qua kế hoạch giải thể công ty con mới thành lập trong lĩnh vực bất động sản chỉ sau 1 năm thành lập. Tương tự, HVG - doanh nghiệp gắn liền với danh xưng "vua cá tra" Hùng Vương, từng đứng đầu Việt Nam về xuất khẩu thủy sản, với doanh thu vài chục nghìn tỷ đồng mỗi năm, cũng đã phải gác lại giấc mơ bất động sản của mình khi thị trường gặp khó. 

Rõ ràng, cơ hội là rộng mở với các doanh nghiệp, song điều quan trọng với những “tân binh” là phải đánh giá được giá trị của mình trong chuỗi đầu tư bất động sản, từ đó mới xác định được rủi ro cũng như lợi nhuận kỳ vọng. Câu chuyện của nhiều ông lớn nhanh chóng “quay xe” chỉ sau khoảng 1 năm lấn sân vào bất động sản do đánh giá chưa đúng tình hình thị trường đã phản ánh rõ điều này.   

Ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Soho Vietnam, "ông trùm" tư vấn các thương vụ chuyển nhượng dự án cho rằng, trong ngắn hạn, thông tin mở rộng đầu tư sang lĩnh vực bất động sản thường tạo kỳ vọng về sự đột phá doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp. Để kỳ vọng này được xây dựng trên một nền tảng chắc chắc, nhà đầu tư cần xem xét, tìm hiểu kỹ lợi thế của doanh nghiệp trong lĩnh vực này, chiến lược đầu tư cụ thể ra sao... 

Vị chuyên gia cũng khuyến cáo những trường hợp doanh nghiệp đầu tư ồ ạt chạy theo lợi nhuận, trong khi nguồn vốn, năng lực và kinh nghiệm hạn chế, có thể dẫn đến sa lầy, làm ăn thua lỗ. Việc đầu tư trực tiếp vào dự án  xác định làm xong bán được là bán ngay, không ôm đồm, tích tụ tránh vết xe đổ từ những thất bại trong quá khứ.

Hãy theo dõi Nhà Ở Ngay và đón chờ những bài viết tiếp theo!