Hà Nội bắt đầu kế hoạch cải tạo các khu chung cư cũ từ năm 2005. Tuy nhiên, do một số thay đổi về chính sách nên đến nay mới có 19 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ hoàn thành, đưa vào sử dụng (chiếm 1,2% tổng số nhà ở chung cư cũ) và 14 dự án đang triển khai.

Theo số liệu thống kê đến năm 2020, TP Hà Nội có hơn 1.500 nhà chung cư cũ, bao gồm gần 1.300 nhà thuộc 76 khu chung cư. Ngoài ra, 306 chung cư cũ độc lập, được xây dựng từ những năm 1960-1994 và trước năm 1954.

Trong giai đoạn 2021-2025, thành phố lên kế hoạch cải tạo 10 khu chung cư cũ, bao gồm bốn khu nhà cấp D - cấp độ nguy hiểm, nguy cơ sụp đổ, phải di dời khẩn cấp người dân, gồm: Giảng Võ, nhà của Bộ Tư pháp, Thành Công, Ngọc Khánh; và 6 khu có tính khả thi để cải tạo là Trung Tự, Kim Liên, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân, Khương Thượng. Trong đó khu tập thể Nghĩa Tân trở thành dự án đầu tiên được thành phố lập quy hoạch chi tiết 1/500 để xây dựng lại trong giai đoạn 2021-2025.

Khu tập thể Nghĩa Tân được xây dựng từ năm 1987; gồm 23 nhà chung cư với diện tích trung bình từ 18-20m2, cao từ 3-5 tầng. Tổng quy mô dự án rơi vào gần 30 ha; trong đó có 5 ha là nhà chia lô được xây dựng; đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở.

Sau nhiều năm xây dựng, khu tập thể đã xuống cấp nghiêm trọng. Các căn hộ đều gặp phải tình trạng tường vôi lở, mốc, bong tróc, thậm chí nhiều căn hộ còn bị dột nhiều chỗ trong nhà. Bên cạnh đó, đa phần các hộ dân đều tự ý cơi nới thêm phần “chuồng chim, chuồng cọp”, lấn chiếm thêm không gian gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu nhà. 

Chuồng cọp - hình ảnh quen thuộc gắn liền với các khu tập thể cũ

Năm 2016, UBND thành phố từng có chủ trương xã hội hóa, cải tạo đồng bộ các khu chung cư, khu tập thể cũ. Đã từng có hàng chục doanh nghiệp đăng ký tham gia, tuy nhiên sau đó chưa có khu chung cư nào được cải tạo theo hình thức trên do quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ được doanh nghiệp lập năm 2016 không đảm bảo tính chất và yêu cầu của quy hoạch chung. Do vậy, trong giai đoạn này cơ quan nhà nước sẽ là đơn vị lập quy hoạch, sau đó sẽ lựa chọn chủ đầu tư thông qua đấu thầu.

UBND Thành phố Hà Nội dự kiến dành 1,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để nghiên cứu lập quy hoạch, trong đó bao gồm chi phí lập Nhiệm vụ Quy hoạch, chi phí lập Đồ án Quy hoạch, chi phí lập Hồ sơ Quy hoạch theo GIS, chi phí thẩm định Nhiệm vụ, thẩm định Đồ án Quy hoạch, chi phí quản lý nghiệp vụ, chi phí tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức và cộng đồng dân cư; chi phí công bố Quy hoạch, chi phí thực hiện công tác thầu.