Sang tên sổ đỏ là thủ tục đăng ký biến động khi chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế quyền sử dụng đất (chỉ có đất), quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất (bao gồm đất và nhà ở hoặc các tài sản khác gắn liền với đất) để chỉ cách thường gọi của người dân dùng. Sang tên sổ đỏ được thực hiện khi người có quyền sử dụng đất tiến hành chuyển nhượng hay tặng cho, thừa kế. Đây là một thủ tục pháp lý bắt buộc và quan trọng, tuy nhiên không phải ai cũng nắm được.

Theo quy định Luật đất đai hiện hành, người dân không được nhận chuyển nhượng, cho tặng nhà đất nếu không đáp ứng được các điều kiện chuyển nhượng đất và thuộc trường hợp không được nhận chuyển nhượng, cho tặng đất.

Trường hợp không đủ điều kiện chuyển nhượng sang tên sổ đỏ

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 188 Luật đất đai 2013, để được sang tên sổ đỏ, cá nhân, hộ gia đình phải đáp ứng các điều kiện sau:

 Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

- Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

- Đất không có tranh chấp;

- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

- Trong thời hạn sử dụng đất.

Ngoài các điều kiện trên, trong một số trường hợp khi chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất còn phải đáp ứng được các điều kiện khác như: Người nhận chuyển quyền không thuộc đối tượng không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 191 Luật Đất đai 2013,...

Như vậy, đất thuộc trường hợp sau đây sẽ không được phép sang tên sổ đỏ:

- Đất đang bị tranh chấp chưa có quyết định cuối cùng của tòa án.

- Đất đang bị kê biên để đảm bảo thi hành án.

- Đất đã hết thời hạn sử dụng.

Ngoài ra, người sử dụng đất (người bán hoặc người tặng cho) có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 188 Luật đất đai 2013 nhưng người mua, người nhận tặng cho thuộc đối tượng không được phép mua, nhận tặng cho quyền sử dụng đất thì không sang tên được sổ đỏ. Hay nói cách khác đây là những trường hợp bị cấm sang tên.

Trường hợp không được nhận chuyển nhượng, cho tặng quyền sử dụng đất

Theo Điều 191 Luật đất đai 2013, các trường hợp sau không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất:

Thứ nhất, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất đối với trường hợp mà pháp luật không cho phép chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất.

Thứ hai, tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Thứ ba, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.

Thứ tư, hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó.

Do đó, đất thuộc các trường hợp trên sẽ không được phép chuyển nhượng, cho tặng nên cũng sẽ không được phép sang tên sổ đỏ.

>>> XEM THÊM: Dự thảo Luật Đất Đai tháng 10/2023 - Cấp Sổ đỏ miễn phí cho đất sử dụng không giấy tờ ?

Thủ tục chuyển nhượng

Trước tiên, các bên đến cơ quan công chứng để lập, công chứng hợp đồng chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho nhà, đất. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày lập hợp đồng, các bên phải kê khai lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân. Hồ sơ kê khai gồm các giấy tờ sau:

- 02 tờ khai lệ phí trước bạ do bên mua ký;

- 02 tờ khai thuế thu nhập cá nhân do bên bán ký (riêng trường hợp tặng cho cần chuẩn bị 04 bản);

- Bản chính hợp đồng chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho nhà, đất đã được công chứng;

- 01 bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất;

- 01 bản sao có chứng thực CMND + Sổ hộ khẩu của cả bên mua và bên bán;

- Trường hợp tặng cho, thừa kế phải cung cấp thêm giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân của người cho và người nhận để được miễn thuế thu nhập cá nhân.

Những điều cần lưu ý khi sang tên sổ đỏ 

Các mức lệ phí cần nộp

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có thông báo nộp thuế thì người nộp thuế nộp tiền vào ngân sách nhà nước và nộp lệ phí trước bạ. Mức nộp cụ thể như sau:

- Thuế thu nhập cá nhân: 2 % trên giá bán hoặc là nộp 25% trên “thu nhập” (giá bán trừ giá vốn và các chi phí liên quan) nếu có chứng từ chứng minh. Tuy nhiên, hiện nay luật thuế thu nhập cá nhân đã bỏ cách tính 25% phần chênh lệch nên chỉ áp dụng thống nhất thuế thu nhập cá nhân mức 2% trên giá bán.

- Lệ phí trước bạ: 0,5 %. Khoản lệ phí này sẽ được miễn đối với những đối tượng thuộc diện được tặng cho, thừa kế... nhà đất nếu có hồ sơ chứng minh theo quy định của pháp luật.

Hồ sơ cần chuẩn bị

Sau khi nộp thuế và phí, các bên làm thủ tục kê khai hồ sơ sang tên. Hồ sơ sang tên phải chuẩn bị gồm có:

- Đơn đề nghị đăng ký biến động (do bên bán ký), trong trường hợp có thoả thuận trong hợp đồng về việc bên mua thực hiện thủ tục hành chính thì bên mua có thể ký thay.

- Hợp đồng chuyển nhượng, hợp đồng tặng cho hoặc văn bản thỏa thuận phân chia di sản; văn bản khai nhận di sản.

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất (bản gốc).

- Giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước (bản gốc).

- Bản sao CMND + Sổ hộ khẩu của bên nhận chuyển nhượng, thừa kế, cho tặng.

Lệ phí sang tên sổ đỏ gồm lệ phí địa chính; lệ phí thẩm định, đo đạc (nếu có),... những lệ phí này do địa phương quy định cụ thể. Sau khi nộp đủ lệ phí sẽ được nhận sổ đỏ. Hãy theo dõi các bài viết khác của Nhà Ở Ngay để có thêm nhiều thông tin hữu ích nhé!