Khởi động đầu năm 2021 bằng cơn sốt đất từ Bắc vào Nam, giá đất trên thị trường bất động sản Việt Nam nhanh chóng được đẩy lên cao nhưng giao dịch thực tế không nhiều. Sau hơn 2 tháng kéo dài, thị trường bất động sản bắt đầu lao dốc, gặp khó khăn khi Covid-19 một lần nữa tái phát trên diện rộng.

Khởi động đầu năm 2021 bằng cơn sốt đất từ Bắc vào Nam, giá đất trên thị trường bất động sản Việt Nam nhanh chóng được đẩy lên cao nhưng giao dịch thực tế không nhiều. Sau hơn 2 tháng kéo dài, thị trường bất động sản bắt đầu lao dốc, gặp khó khăn khi Covid-19 một lần nữa tái phát trên diện rộng. Hậu quả là mức độ quan tâm đến thị trường bất động sản giảm sâu, thậm chí có nơi giảm đến 50% (theo số liệu được công bố bởi Batdongsan.com.vn).

nhan-dinh-thi-truong-bat-dong-san

Nhận định thị trường dưới góc nhìn chuyên gia

Trải qua gần 6 tháng đầy biến động, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng thị trường bất động sản trong 6 tháng tới sẽ phụ thuộc khá nhiều vào diễn biến cũng như khả năng kiểm soát tình hình dịch bệnh.

Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam - ông Nguyễn Văn Đính nhận định: “Thị trường vừa trải qua 6 tháng rất khó khăn. Dù chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng theo quan sát của tôi, lượng giao dịch trong nửa đầu năm chỉ bằng 10-20% so với cùng kỳ. Đây là con số đáng báo động”.

Theo ông Đính, lực cầu hiện vẫn đang ở mức tốt, tuy nhiên công tác bán hàng lại gặp nhiều trở ngại, thị trường cũng có dấu hiệu lệch pha cung - cầu. Nếu không sớm được điều chỉnh, thị trường thậm chí có thể rơi vào đóng băng. Tuy nhiên, nhìn nhận theo hướng tích cực thì đây cũng chính là cơ hội để thanh lọc thị trường, từ đó chọn ra các chủ đầu tư có tiềm năng, năng lực thực sự.

Tôi tin dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát vào khoảng quý III năm nay, ngay sau đó thị trường sẽ phục hồi và bật lên rất nhanh. Bản chất của bất động sản là vậy, nén quá lâu thì bật lên sẽ nhanh và mạnh” - ông Đính nói.

Theo dự đoán của ông thì các dự án đại đô thị gắn với khu du lịch hoặc công nghiệp có thể sẽ là phân khúc hoạt động tốt trong thời gian tới: “Khi dịch bệnh ngày càng phức tạp, người dân sẽ cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn sản phẩm, kể cả để ở hay để đầu tư, vì vậy kênh an toàn nhất là các đại dự án gắn với hạ tầng hoàn thiện, dịch vụ tốt, của chủ đầu tư uy tín”

Trái với ông Nguyễn Văn Đính, Nguyên thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường - GS. Đặng Hùng Võ cho rằng cơ hội phát triển cho thị trường bất động sản trong 6 tháng tới gần như không có, thậm chí tình hình này có thể vẫn kéo dài đến nửa đầu năm 2022. Đặc biệt, với tiến độ tiêm vaccine và tình hình dịch bệnh hiện nay thì thị trường sẽ tiếp tục đi ngang. Giao dịch bất động sản lúc này sẽ chủ yếu đến từ những người có tiền, biết tranh thủ cơ hội để đầu tư.

Cũng theo ông Võ thì ở thời điểm này, nhà ở là kênh đầu tư tương đối sáng so với mặt bằng chung, khi mà thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đang lao đao vì dịch bệnh.

Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển (R&D) DKRA Việt Nam - ông Nguyễn Hoàng nhìn nhận thị trường bất động sản nửa cuối năm phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kiểm soát dịch bệnh. Nếu Covid-19 vẫn tiếp tục kéo dài và khó kiểm soát, không chỉ bất động sản mà nhiều ngành nghề khác liên quan đến đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng.

Theo ông, nếu mục tiêu đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine của Nhà nước từ nay đến cuối năm đạt 75% dân số đạt hiệu quả có thể sẽ giúp đẩy lùi dịch bệnh, các hoạt động đời sống, kinh doanh trở lại hoạt động bình thường. Khi thị trường sôi động trở lại, nguồn cung và lượng tiêu thụ có thể sẽ cao hơn so với nửa đầu năm. Các dự án sẽ được tái khởi động, đặc biệt là phân khúc căn hộ - sản phẩm bị đình trệ chủ đạo trong quý II.

Ông Võ cho rằng, các loại hình bất động sản nhà ở như đất nền, căn hộ, nhà phố, biệt thự, shophouse… sẽ là kênh đầu tư hàng đầu vì nhu cầu và triển vọng cao. Tuy nhiên, việc đầu tư vào loại hình nào vẫn phụ thuộc nhiều vào khả năng tài chính, sở thích cũng như sự hiểu biết về bất động sản của chủ đầu tư. Cho dù là loại hình nào thì nhà đầu tư cũng cần cân nhắc tương quan năng lực tài chính so với sản phẩm, hạn chế lạm dụng đòn bẩy tài chính và đặc biệt không nên đầu tư lướt sóng ở thời điểm này.

thi-truong-bat-dong-san

>> Xem thêm: Chứng khoán đảo chiều, dòng tiền liệu có đổ về thị trường bất động sản?

Bất động sản nửa cuối năm liệu có cơ hội bứt phá?

Theo dữ liệu công bố đầu tháng 4 bởi Batdongsan.com.vn, trong quý I/2021, thị trường bất động sản Việt Nam chứng kiến chỉ số mức độ quan tâm tăng cao trong lịch sử 15 năm qua. Quy luật đáng chú ý là cứ sau mỗi đợt dịch thì thị trường lại bật dậy mạnh mẽ với những nhu cầu về tích lũy, sở hữu bất động sản ngày càng trở nên rõ nét.

Từ tháng 5 tới nay, dù đã tạm dừng các hoạt động mở bán tập trung nhưng lượng khách hàng gọi điện trao đổi, tìm kiếm thông tin dự án trên các kênh bán hàng online vẫn khá sôi động. Đặc biệt, nhiều nhà đầu tư có nguồn lực tài chính lớn vẫn tích cực trong việc tìm gom đất dự án thuộc khu vực được quy hoạch đồng bộ về hạ tầng, tiện ích tại các trung tâm du lịch mới nổi hay khu vực tỉnh thành có tiềm năng tăng trưởng tốt.

Những nhà đầu tư có tiềm lực tốt thường sẽ đặt uy tín, năng lực chủ đầu tư cũng như quy mô, chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Chính bởi vậy nên những dự án có vị trí đẹp, pháp lý minh bạch, quy hoạch bài bản vẫn luôn giữ giá, thậm chí không ngừng tăng bất chấp tình hình dịch bệnh có những diễn biến phức tạp.

Bóc tách từ dữ liệu đến từ hệ thống ngân hàng, tính đến tháng 2/2021, bất động sản chiếm gần 20% tổng dư nợ toàn kinh tế và là tài sản được người Việt phân bổ tỷ trọng tiền lớn nhất. Đặc biệt, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào bất động sản quý I cao hơn đến 15.56% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính để dòng vốn FDI đổ vào lĩnh vực bất động sản chủ yếu đến từ niềm tin của nhà đầu tư về khả năng khống chế dịch bệnh hiệu quả của Việt Nam trong thời gian qua. Đi kèm với đó là sự ổn định về chính trị, tình hình kinh tế được duy trì ổn định.

Tổng GDP quý I/2021 của Việt Nam ước tính tăng 4.48% so với cùng kỳ năm trước cho thấy sự thích nghi, khả năng chống chịu và xu thế phục hồi của nền kinh tế ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là quốc gia có những kết quả tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Sự chuyển tiếp giữa Luật Đầu tư 2014 - 2020 vừa qua cũng ít nhiều đã có những ảnh hưởng tích cực tới tình hình cấp mới/điều chỉnh các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Các chuyên gia cho rằng về lâu dài, bất động sản vẫn sẽ là kênh đầu tư an toàn với lợi nhuận bền vững nhờ phụ thuộc nhiều vào sự tăng trưởng và phát triển năng động của nền kinh tế. Với các nhà đầu tư cá nhân, tích lũy tiền vào bất động sản được xem là hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác như việc gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng hay tích trữ vàng giữa thời điểm lãi suất thấp và giá cả thị trường lên xuống bất ổn khó kiểm soát.

Để xem thêm nhiều thông tin hữu ích, truy cập tại đây.