Luật Đất đai có vai trò quan trọng đối với môi trường đầu tư của Việt Nam. Tuy nhiên, theo nhiều Doanh nghiệp và địa phương, Luật Đất đai 2013 hiện nay lộ rõ nhiều nội dung chồng chéo, không đồng nhất với các luật khiến các DN gặp khó trong việc phát triển các dự án bất động sản.

Luật Đất đai có vai trò quan trọng đối với môi trường đầu tư của Việt Nam. Tuy nhiên, theo nhiều Doanh nghiệp và địa phương, Luật Đất đai 2013 hiện nay lộ rõ nhiều nội dung chồng chéo, không đồng nhất với các luật khiến các DN gặp khó trong việc phát triển các dự án bất động sản.

Sửa đổi Luật Đất Đai

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp mới đây về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương tổng kết Luật Đất đai và xây dựng Luật Đất đai sửa đổi.

Đây là thông tin được cộng đồng doanh nghiệp bất động sản hết sức mong chờ trong nhiều năm qua bởi sau gần 10 năm thi hành, Luật Đất đai 2013 đã sinh rất nhiều vướng mắc. Chưa kể, nhiều quy định cũng chưa theo kịp sự phát triển của thị trường.

Mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật

Ví dụ, nếu như Luật Đất đai quy định về đấu giá quyền sử dụng đất, còn Luật Đấu thầu và Luật Đầu tư lại quy định đấu thầu dự án. Dẫn đến dự án khi đã thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, nhà đầu tư tự bỏ tiền bồi thường giải phóng mặt bằng xong thì phải lại tiếp tục đấu giá quyền sử dụng đất.

"Cái này thực hiện rất chồng chéo nhiêu khê. Nó rất là khó trong quá trình triển khai dẫn đến tâm lý của cán bộ công chức làm trong ngành tài nguyên môi trường thì đôi lúc có tâm lý hoang mang, lo sợ khi mà thực hiện các thủ tục giao đất, cho thuê đất cũng như là định giá đất", ông Võ Minh Thành cho biết thêm.

Bên cạnh đó, nhằm chuẩn bị sẵn quỹ đất cho thu hút đầu tư, Luật Đất đai đã có những quy định về hoạt động của trung tâm phát triển quỹ đất tại các địa phương. Tuy nhiên, đến nay, việc thực thi luật để nâng cao vai trò của đơn vị này vẫn chưa hiệu quả.

Chính "điểm nghẽn" về luật đã khiến các doanh nghiệp gặp khó trong việc phát triển các dự án bất động sản mới, khiến nguồn cung nhà ở trên thị trường bị giảm đi, đẩy giá bán tăng cao. Không chỉ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp, vướng mắc trong thi hành Luật Đất đai cũng ảnh hưởng tới thu hút đầu tư, phát triển dự án của các địa phương.

Mâu thuẫn, chồng chéo giữa các Luật

Xem thêm: Các loại giấy tờ cần chuẩn bị khi giao dịch đất đai

“Tắc nghẽn” dự án

Hai năm trở lại đây, nhiều dự án đầu tư bất động sản bị "tắc nghẽn", ít nhiều liên quan tới vướng mắc từ Luật Đất đai. Điều này khiến cho nguồn cung trên thị trường bị giảm sút, khiến giá cả tăng cao.

Tháng 3 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 30/2021, liên quan tới việc triển khai các dự án nhà ở thương mại. Ngay lập tức, một số doanh nghiệp và Hiệp hội cho rằng, vẫn còn quy định vẫn còn bất cập. Đó là chỉ các doanh nghiệp có quỹ đất là 100% đất ở hoặc có một phần đất ở mới được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Còn lại các quỹ đất nông nghiệp hoặc đất phi nông nghiệp, không phải là đất ở sẽ không thể thực hiện được dự án. Trong khi hiện nay quỹ đất ở hạn chế, đa số là đất nông nghiệp do doanh nghiệp mua lại của người dân.

"100% dự án mà thực hiện dự án phát triển nhà ở trên đất nông nghiệp sẽ gặp bế tắc", ông Lại Tuấn Ngọc - Trưởng phòng BĐS Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai cho biết.

Còn đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, điều e ngại nhất là thời gian triển khai dự án. Theo khảo sát, quy trình thủ tục từ lúc giao chủ trương để thực hiện dự án đến lúc ra nghĩa vụ tài chính thì mất ít nhất 1,5 đến 2 năm.

Thực tế, những bất cập của Luật Đất đai 2013 liên tục là vấn đề tranh luận nóng bỏng tại Hội trường Quốc hội, và nhiều cuộc hội thảo, hội nghị chuyên ngành thời gian qua. Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng, thời gian tới đây, Luật Đất đai sửa đổi sẽ sớm được hình thành, tạo một môi trường thu hút đầu tư thông thoáng cho các doanh nghiệp và địa phương.