1. Quy định về nhóm đối tượng được mua nhà ở xã hội
Hiện nay, Luật Nhà ở năm 2014 quy định có 10 nhóm đối tượng được hưởng chính sách mua nhà ở xã hội:
- Người có công với cách mạng;
- Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn;
- Hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu;
- Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị;
Ngoài những đối tượng nêu trên thì các đối tượng sau cũng được ưu tiên mua nhà ở xã hội đó là:
- Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc CAND và QĐND;
- Cán bộ, công chức, viên chức;
- Học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; học sinh trường dân tộc nội trú công lập được sử dụng nhà ở trong thời gian học tập
- Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở…
2. Điều kiện mua nhà ở xã hội
Bên cạnh việc nằm trong các nhóm đối tượng được mua nhà ở xã hội, người mua cũng cần đạt được một số điều kiện cụ thể về cư trú và thu nhập như sau:
- Điều kiện về nhà ở: Người chưa có nhà thuộc sở hữu của mình hoặc đang có nhà thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và từng khu vực; hoặc là nhà tạm bợ, hư hỏng, dột nát chưa được Nhà nước hỗ trợ nhà, đất.
- Điều kiện về cư trú: Người mua nhà ở xã hội phải có hộ khẩu thường trú hay đăng ký tạm trú nhưng đóng bảo hiểm xã hội từ 1 năm trở lên tại các tỉnh, thành phố có dự án phát triển nhà ở xã hội.
- Điều kiện về thu nhập: Nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, chính là người không thuộc diện nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định thuế thu nhập cá nhân; người thuộc hộ gia đình nghèo là đối tượng nằm trong chuẩn nghèo theo quy định của Chính phủ. Đối với cán bộ, công chức thì phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân. Nếu là đối tượng bảo trợ xã hội muốn mua nhà ở xã hội thì phải có xác nhận của UBND xã/phường/thị trấn nơi cư trú. Riêng học sinh, sinh viên chỉ được thuê, không được mua nhà ở xã hội.
Có thể thấy, để có thể mua được một căn nhà ở xã hội không hề đơn giản khi đối tượng và thủ tục và hồ sơ cần chuẩn bị khá phức tạp. Bên cạnh đó, việc xác minh điều kiện về thu nhập đối với những người không phải thuộc diện nộp thuế thu nhập thường xuyên hiện nay vẫn chưa rõ ràng, nên xảy ra tình trạng ở nhiều dự án có những khách mua chỉ phát sinh thuế trong 1 tháng nhưng mức phát sinh rất ít, vẫn bị loại hồ sơ mua nhà ở xã hội.
3. Hồ sơ cần chuẩn bị khi mua nhà ở xã hội:
- Đơn đăng ký mua theo mẫu số 01 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 09/2021/TT-BXD.
- Giấy xác nhận về đối tượng và thực trạng nhà ở.
- Giấy tờ chứng minh về Điều kiện cư trú và đóng bảo hiểm xã hội.
- Mẫu giấy chứng minh về Điều kiện thu nhập.
4. Quy định về chuyển nhượng lại nhà ở xã hội
Nhà nước quản lý rất nghiêm ngặt về việc chuyển nhượng lại nhà ở xã hội, được quy định rõ trong Luật Nhà ở 2014. Cụ thể:
- Người sở hữu nhà ở xã hội chỉ được chuyển nhượng lại sau thời hạn 5 năm kể từ khi đã hoàn thành hết các nghĩa vụ tài chính với Chủ đầu tư dự án.
- Người mua chỉ được phép bán lại, thế chấp hoặc cho thuê sau khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Kể từ thời điểm người mua nhà ở xã hội được phép bán nhà ở xã hội cho các đối tượng có nhu cầu thì ngoài các khoản phải nộp khi thực hiện bán nhà ở theo quy định của pháp luật, bên bán căn hộ nhà chung cư phải nộp cho Nhà nước 50% giá trị tiền sử dụng đất được phân bổ cho căn hộ đó; Trường hợp bán nhà ở xã hội thấp tầng liền kề phải nộp 100% tiền.
Trường hợp người mua muốn chuyển nhượng lại nhà ở xã hội trong vòng 5 năm, thì chỉ được phép chuyển nhượng lại cho 2 nhóm đối tượng:
- Bán lại cho Nhà nước hoặc cho Chủ đầu tư;
- Bán lại cho những người thuộc nhóm đối tượng được mua và phải đạt đủ điều kiện mua Nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở 2014.
- Trường hợp bán lại nhà ở xã hội cho chủ đầu tư dự án thì người bán lại phải thực hiện thủ tục thanh lý hợp đồng với chủ đầu tư. Giá bán lại tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
- Trường hợp bán lại nhà ở xã hội cho đối tượng khác thuộc diện được mua nhà ở xã hội thì người bán lại phải thực hiện thủ tục chuyển hợp đồng mua bán nhà ở xã hội với chủ đầu tư cho người mua lại thuộc diện được mua nhà ở xã hội và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Trên đây là các quy định hiện hành của Nhà nước về đối tượng, điều kiện, thủ tục mua cũng như chuyển nhượng lại nhà ở xã hội, hy vọng có thể giúp bạn hiểu được rõ hơn khi quyết định lựa chọn mua nhà ở xã hội. Hãy theo dõi các bài viết khác của Nhà Ở Ngay để có thêm nhiều thông tin hữu ích nhé!