Cụm từ kiến trúc Á Đông xuất hiện rất nhiều trong các bài viết về công trình kiến trúc cũng như thiết kế nội thất. Vậy kiến trúc Á Đông là gì? Hãy cùng Nhà Ở Ngay tìm hiểu qua bài viết này nhé!

Vùng văn hóa Á Đông hay vùng văn hóa Đông Á là tên gọi chỉ cộng đồng các nước ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, bao gồm sự ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng Nho giáo và Phật giáo, đã từng sử dụng chữ Hán làm công cụ truyền bá ngôn ngữ và truyền tải văn hóa như Việt Nam, Hàn Quốc, Triều Tiên, hoặc đang sử dụng chữ Hán làm công cụ truyền bá ngôn ngữ và truyền tải văn hóa như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản.

Văn hóa Á Đông chịu ảnh hưởng nhiều từ văn hóa Trung Quốc, từ ngôn ngữ, ẩm thực, nghệ thuật,… cho tới kiến trúc, phong thủy

Kiến trúc Á Đông có rất nhiều nét độc đáo và đặc trưng có thể dễ dàng gặp trong nhiều công trình kiến trúc tại Việt Nam. Theo thời gian, do có sự pha trộn văn hóa, các công trình này vừa mang hơi hướm chung của kiến trúc Á Đông, nhưng cũng mang hơi thở rất riêng của văn hóa dân tộc.

Đền và chùa:

Đền và chùa là các cấu trúc trúc tôn giáo quan trọng trong văn hóa Á Đông. Chúng thường có kiến trúc kiên cố với các mái vòm, cột trụ, hình dạng độc đáo và sử dụng các vật liệu truyền thống như gỗ, đá, ngói. Điển hình như chùa Một Cột, chùa Hương, chùa Nhất Trụ, đền Hùng, đền Trần, Đền thờ Lý Thái Tổ….

>>XEM THÊM: Tìm hiểu về Scandinavian – xu hướng thiết kế theo phong cách Bắc Âu

Chùa Một Cột những năm 1896

Cung điện:

Các cung điện và lâu đài trong văn hóa Á Đông thường có kiến trúc hoành tráng và tinh xảo. Chúng thường được xây dựng với các tòa nhà cao, đường nét uy nghiêm, sử dụng các vật liệu gỗ, đá, gốm. Tiêu biểu như điện Thái Hòa, điện Càn Thành, cung Trường Sanh,… và các cung điện khác nằm trong quần thể di tích cố đô Huế.

Điện Thái Hòa trong quần thể di tích cố đô Huế

Nhà truyền thống:

Nhắc đến nhà truyền thống tại Việt Nam, hình ảnh quen thuộc nhất là các ngôi nhà 3 gian, nhà 5 gian hoặc nhà ngói xưa, nhà sàn,... Tuy nhiên trên thực tế, nhà dân gian truyền thống còn đa dạng hơn thế. Việt Nam có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc mang bản sắc văn hóa riêng nên theo đó, nhà truyền thống tại Việt Nam cũng mang đậm giá trị đặc trưng của các vùng miền.

Ngôi nhà 3 gian gần 400 năm tuổi tại làng cổ Đường Lâm

Cầu vòm:

Những chiếc cầu gỗ vòm, cong cong, được trạm khắc tinh tế là một hình ảnh rất phổ biến và đặc trưng của kiến trúc Á Đông. Ở Việt Nam kiến trúc cầu vòm xuất hiện ở nhiều công trình trên khắp Việt Nam, điển hình như cầu gỗ cong màu son đỏ ở ngôi làng cổ ven sông Nhuệ (Vạn Phúc – Hà Đông) nơi Bác Hồ đã từng ở và viết ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến… Ngày nay, kiến trúc chiếc cầu gỗ cong vẫn được lựa chọn xây dựng ở nhiều địa điểm như công viên, các khu du lịch như một điểm chụp ảnh check in cho giới trẻ.


Cầu gỗ cong với mái ngói đỏ tại làng Lụa Vạn Phúc, Hà Đông

Không gian sân vườn:

Đặc trưng lối sống của người phương Đông là nhã nhặn, ôn hoà, thích gần gũi với thiên nhiên. Việc lựa chọn vật liệu xây dựng, trang trí bằng gỗ, đá sỏi, gạch, mây tre, gốm sứ,… mang lại cảm giác như hơi thở thiên nhiên luôn hiện hữu trong không gian. Bên cạnh đó, không thể thiếu trong khu vườn là những nhà chòi nhỏ theo kiến trúc cổ pha lẫn hiện đại, là nơi nghỉ ngơi, thư giãn sau một ngày dài.

Không gian sân vườn được thiết kế theo phong cách Á Đông với chòi nghỉ, hồ nước và tiểu cảnh

Có thể dễ dàng nhận thấy Kiến trúc Á Đông là sự giao thoa của nhiều nền văn hóa, là sự kế thừa của vẻ đẹp truyền thống đồng thời cũng phát huy những tinh hoa của kiến trúc hiện đại. Nền kiến trúc độc đáo của mỗi dân tộc trên thế giới đều trải qua quá trình lịch sử dài lâu gắn liền với tính đặc thù của quá trình phát triển của dân tộc. Trong khi đó, kiến trúc dân tộc được cấu thành bởi các nhân tố địa lý, môi trường, hoàn cảnh kinh tế xã hội, và quan trọng nhất là ảnh hưởng của sự giao lưu văn hóa giữa các vùng miền dân tộc, các quốc gia và cộng đồng quốc tế. Điều đó được thể hiện qua văn hóa vật chất lẫn lối sống, tập quán, thái độ ứng xử của con người trước hoàn cảnh, trong đời sống thường nhật và cả trong đời sống văn hóa tâm linh.