Theo quan niệm Á Đông, phong thủy xây nhà là việc vô cùng quan trọng, quyết định lớn đến con đường tài lộc, công danh, sự nghiệp và đời sống sức khỏe của các thành viên trong gia đình. Ở bài viết này, Nhà Ở Ngay sẽ tư vấn phong thủy xây nhà và những điều quan trọng nhất trong phong thủy khi xây nhà mà ai cũng cần biết. Cùng tìm hiểu ngay nhé!
Phong thủy xây nhà sinh tài lộc
1. Phong thủy xây nhà là gì?
“Phong thủy” được bắt nguồn từ Trung quốc cổ đại (風水) ám chỉ sự ảnh hưởng của hướng gió, hướng khí, mạch nước đến đời sống phúc/họa của con người.
Ngày nay, phong thủy được người ta ứng dụng nhiều khi xây dựng nhà cửa. Xây nhà phong thủy là việc nghiên cứu xây nhà theo bản mệnh gia chủ dựa trên các yếu tố về hướng gió, hướng khí, mạch nước... Vừa để gia tăng vượng khí, vừa để mang lại may mắn cho gia chủ và những thành viên trong gia đình, liên quan đến cát hung, họa phúc, thọ yểu, sự cùng thông…
5 trường phái trong thiết kế phong thủy xây nhà:
- Phong thủy địa khí: đo khí đất, năng lượng đất để biết được đất phù hợp để ở, để kinh doanh hay đất gây bệnh…
- Phong thủy bát trạch: phong thủy dựa trên cung mệnh gia chủ và hướng đất
- Phong thủy loan đầu: phong thủy dựa theo các yếu tố xung quanh như đường, sông, ao hồ, núi, cao ốc…
- Huyền không phi tinh: phong thủy dựa theo năm xây dựng và nhập trạch, hướng nhà…
- An thần sát: trường phái tính toán đạt đến độ tuyệt đối, từ đó sắp xếp phân phòng, cửa cổng, cửa chính… Đây có thể coi là trường phái nghệ thuật đỉnh cao trong phong thủy.
2. Phong thủy xây nhà dựa trên những yếu tố nào?
Thế đất an sinh trong phong thủy xây dựng
Phong thủy xây nhà không chỉ là những yếu tố riêng lẻ mà còn là sự tổng hợp hàng loạt yếu tố như địa hình, địa thế, hướng gió, dòng nước, hướng cửa, hình dạng, bố cục mặt bằng… Mỗi yếu tố phong thủy làm nhà đều có những nguyên tắc khác nhau đòi hỏi gia chủ phải xem xét, lựa chọn cách thiết kế sao cho hợp lý nhất.
Thông thường, khi xây nhà theo phong thủy người ta sẽ để ý đến việc chọn ngày. Ngày, tháng, năm xây nhà phải phù hợp với tuổi của gia chủ thì mới mang lại may mắn, tránh được những điềm vận không hay xảy ra.
Hướng nhà hợp phong thủy là phải hợp mệnh gia chủ, hợp với vị trí và địa hình đất. Trước mặt không nên có vật chắn sẽ làm mất đi tài lộc, may mắn.
Về hình dạng, nhà ở phải được xây dựng thuận theo địa thế, địa hình khu đất xây dựng.
Ngoài ra, xây nhà theo phong thủy còn liên quan đến nhiều yếu tố như màu sơn, nội thất, ngoại thất, đào móng, nâng nền, hạ nền, đổ mái...
3. Những nguyên tắc xây nhà theo phong thủy
Chọn hướng đất và hướng xây hợp mệnh chủ nhà
Trong phong thủy, mệnh người có hai loại là Đông tứ mệnh (bao gồm Thủy, Mộc, Hỏa) và Tây tứ mệnh (bao gồm Kim, Thổ). Đất cũng có 2 loại là Đông tứ trạch (hướng Bắc, Nam, Đông, Đông Nam) và Tây tứ trạch (hướng Tây, Tây Bắc, Tây Nam, Đông Bắc).
Theo phong thủy xây nhà thì người Đông tứ mệnh sẽ hợp với nhà, đất hướng Đông tứ trạch, tức hướng Bắc, Nam, Đông và Đông Nam. Ngược lại, người Tây tứ mệnh sẽ hợp với hướng Tây tứ trạch, tức hướng Tây, Tây Bắc, Tây Nam và Đông Bắc.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp gia chủ không xác định được hướng phù hợp, người ta thường chọn xây nhà theo hướng Nam hoặc Đông Nam, vừa hợp với mọi mệnh quái, vừa đảm bảo tính thoáng đãng, mát mẻ quanh năm.
Vị trí, thế đất hợp phong thủy xây nhà
Theo quan niệm phong thủy, đất có địa hình, địa thế tốt thường sẽ giúp thu hút tài lộc, xóa vận đen cho gia chủ. Để có được điều này, đất phải đảm bảo có các đặc điểm sau:
- Thế đất tụ khí: bên trái (Bạch Hổ) có vật cao, bên trái (Thanh Long) có nước, phía sau (Huyền Vũ) có thế đất cao, phía trước (Chu Tước) có không gian rộng tạo nên Minh Đường
- Hình đất vuông vắn, tránh méo mó, nhiều góc cạnh (theo phong thủy xây dựng thì đất vuông vắn sẽ có được năng lượng cân bằng, thường mang lại tài vận, an khang). Trường hợp đất không vuông thì gia chủ cần tìm cách hóa giải.
- Nhà nên có hồ nước bao quanh
Bố trí không gian nhất quán
Phong thủy xây nhà cũng bị ảnh hưởng rất lớn bởi cách bố trí không gian. Việc bố trí không gian không nhất quán, không liền mạch, mỗi góc một lối kiến trúc có thể sẽ khiến cho không gian bị loạn khí, không tốt cho tài lộc. Đặc biệt, khu vực thờ cần phải được đặt ở vị trí hợp lý, chuẩn phong thủy, tránh đặt ở nơi có khoảng trống, không điểm tựa.
4. 5 điều đại kỵ trong phong thủy khi xây nhà
Xây nhà trên vị trí đất xấu
Khi xây nhà, bạn nên tránh xây trên những mảnh đất có thế xấu bởi dễ gặp phải hung vận. Những thế đất xấu trong phong thủy xây nhà bao gồm:
- Thế đất trước cao, sau thấp
- Đất cạnh ao hồ nhưng nằm ở vị trí vòng ngoài khúc cua (không tụ khí)
- Đất cạnh đường nhưng đường cong ra ngoài, không ôm lấy nhà (nhà bị đường cong cung chĩa vào - thế bị cung tên chĩa vào)
- Đất gần nghĩa địa, chùa, miếu, đường tàu, đường trên cao
- Đất bị các góc nhọn đâm vào nhà
- Đất ngoài đường cái, trong ngõ cụt hay nằm giữa ngã ba, đường đâm thẳng vào nhà
- Đất không vuông vắn, nhiều góc nhọn: hình tam giác, đa giác, méo mó…
- Đất ở chân núi
Vị trí đất xấu trong phong thủy xây nhà
Cửa, cổng, lối ra vào bố trí không hợp lý
Trong phong thủy xây nhà, cửa trước là phần quan trọng nhất bởi đây chính là nơi mang lại nguồn sinh khí tự nhiên, năng lượng cho ngôi nhà. Bởi vậy, khi thiết kế cửa, gia chủ cần tránh:
- Cổng thẳng cửa sổ hoặc cửa ra vào
- Cửa trước nhìn vào phòng tắm hoặc nhà kho
- Cầu thang đối diện với cửa trước (sẽ khiến nguồn năng lượng tốt chảy ra cửa)
- Cửa phòng bếp đối diện cửa phòng tắm
- Các cánh cửa chạm nhau khi mở
- …..
Phòng ngủ không hợp lý
Phòng ngủ được cho là không hợp phong thủy khi:
- Đặt gần Gara hoặc nhà bếp
- Đặt gần cửa trước
Phòng tắm không hợp lý
- Phòng tắm đặt ở trung tâm nhà
- Phòng tắm đối diện với cửa trước
Nhà bếp không hợp lý
- Nhà bếp đối diện phòng ngủ/sát giường ngủ
- Bếp được đặt cạnh tủ lạnh hay bồn rửa (bởi lửa kỵ nước)
- Sau bếp là khoảng không (chông chênh, không bền vững)
- Bếp nằm trên rãnh mương, nước
- Góc nhọn chiếu thẳng vào bếp (dễ gây tổn thương, ảnh hưởng đến sức khỏe)
- Vị trí bếp lý tưởng là khi được đặt ở góc khuất từ phía trước cửa vào
5. Tư vấn phong thủy khi xây nhà
Xem phong thủy nền nhà
Muốn không gian sống có được phong thủy tốt lành, nền nhà là một trong những yếu tố cần lưu tâm hàng đầu.
Nền nhà theo phong thủy cần cao hơn mặt đường, nếu gặp phải thế đất thấp hơn mặt đường cần phải hóa giải theo các cách sau:
- Nâng nền, đổ đất làm lại nền cho nhà cao bằng hoặc cao hơn mặt đường
- Làm cổng cao hơn bằng cách xây bậc tam cấp trước cửa (cách này thường sẽ gây bất tiện cho việc đi lại, tuy nhiên về mặt phong thủy xây nhà sẽ giúp cho nguồn năng lượng từ bên ngoài theo bạn vào nhà).
Bên cạnh đó, các không gian chức năng trong nhà nên có nền chênh lệch nhau. Nếu nền nhà không tốt, gia chủ nên áp dụng các cách khác nhau (hạ nền/nâng nền) để nhà có được độ cao phù hợp nhất.
- Nền nhà bếp cao hơn nền phòng khách: theo phong thủy sẽ dễ gây bất hòa gia đình, thiếu tính đoàn kết, đảo lộn trật tự gia đình, cuộc sống không yên ổn
- Nền nhà bếp thấp hơn nền phòng khách: dễ vấp ngã nhưng về thực tế có nhiều điểm lợi khi sinh hoạt, mang lại điềm tốt về quan hệ vợ chồng. Theo quan niệm phong thủy xây nhà thì phòng bếp nên có nền bằng hoặc thấp hơn so với phòng khách để quan hệ gia đạo được thuận hòa.
Nền nhà cũng nên được thiết kế sao cho hợp phong thủy. Việc chọn vật liệu và màu lát nền sẽ dựa vào phong thủy ngũ hành tương sinh, tránh tương khắc với gia chủ:
Ngũ hành tương sinh - tương khắc trong phong thủy
- Hệ tương sinh: Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ.
- Hệ tương khắc: Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim, Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ.
Đối với người mệnh Thổ thường nên chọn gạch lát nền thuộc hành Thổ, Hỏa với các màu như nâu đất, cam… hay hành Kim như trắng, ánh kim, trắng sữa… Đồng thời cũng nên tránh các màu thuộc hành Mộc, Thủy bởi Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy.
Ngoài ra, để thuận theo phong thủy xây nhà thì người ta cũng hay sử dụng các thuật phong thủy như chôn vật khí dưới nền nhà để giúp sinh tài lộc, trấn bình an cũng như tăng hạnh phúc cho gia chủ.
Phong thủy phần móng nhà
Khi làm móng nhà, người ta thường phải chọn trước ngày đào móng, đổ móng sao cho phù hợp với tuổi của gia chủ.
Bên cạnh đó, móng nhà theo phong thủy cần phải được nguyên vẹn, trong quá trình sử dụng luôn ở trạng thái hoàn thiện, tránh sứt mẻ bởi:
- Móng nhà hướng Tây Bắc bị hụt có thể gây khó khăn về đường con cái, sức khỏe hô hấp không tốt
- Móng nhà hướng Tây Nam bị hụt có thể gây ra vấn đề về đường tiêu hóa cho gia chủ
- Móng nhà hướng Đông Nam bị hụt sẽ không có lợi cho đường con cái
- Móng nhà hướng Đông Bắc bị hụt sẽ dễ gây vấn đề về tiêu hóa
- Móng nhà trước rộng, sau hẹp sẽ dễ mất của, gia đình mất dần nhân khẩu
- Móng nhà hình tam giác: nếu nhọn trước, rộng sau dễ gây tổn hao tài sản, nữ nhân trong nhà hay gặp bạo bệnh; nếu rộng trước, nhọn sau thì thành viên gia đình dễ bị nan y, tai nạn, yểm mệnh.
- Móng nhà bên trái dài, bên phải ngắn dễ gây hậu họa cho vợ con gia chủ
Phong thủy trần nhà, dầm nhà
Trong phong thủy xây nhà, trần nhà, dầm nhà là một trong những yếu tố cần được xây dựng theo những quy tắc nhất định để đảm bảo phong thủy sinh lộc, tránh xung kỵ.
- Dầm (xà ngang, xà dọc) không được lộ, đè lên giường tủ, bếp, ghế phòng khách
- Trần nhà không nên có kích thước quá hẹp, độ cao trần cũng không được để quá cao hoặc quá thấp so với sàn nhà
- Nên trang trí trần bằng các màu sơn sáng hơn và nhạt hơn sàn nhà, tường nhà để cân bằng không gian, tránh nặng trần. Đèn không nên chiếu xuống sàn trực tiếp và không nên để quá gần so với mặt sàn bởi dễ gây cảm giác khó chịu, chóng mặt.
- Kiêng kỵ lắp gương trên trần bởi tạo ra hình bóng ngược, đảo lộn, gây bất lợi về tài lộc, sự nghiệp, sức khỏe và tinh thần.
Kết luận: Trên đây là những lưu ý trong phong thủy xây nhà mà Nhà Ở Ngay muốn gửi đến bạn. Hy vọng qua bài viết, bạn sẽ có thể lựa chọn được vị trí làm nhà và bố trí không gian một cách hợp lý, chuẩn phong thủy, sinh lộc, phát tài, chiêu an.