“Nhà sạch thì mát
Bát sạch ngon cơm”
Nhà bếp vốn là một không gian quan trọng trong phong thủy nhà ở. Nhưng liệu bạn đã biết cách sắp xếp phong thủy nhà bếp sao cho hợp lý để thu tài, vận lộc về cho gia đình? Phong thủy phòng bếp có điều gì cấm kỵ hay không? Làm sao để xem phong thủy hướng bếp? Hãy cùng Nhà Ở Ngay tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé!
1. Phong thủy nhà bếp và tầm quan trọng của phong thủy nhà bếp
Phong thủy vốn dĩ không phải là sự mê tín dị đoan mà là một phạm trù khoa học được chiêm nghiệm và đúc kết thông qua quá trình lịch sử lâu dài. Đặc biệt, người ta thường hay ứng dụng phong thủy trong lĩnh vực xây dựng nhà ở giống như một “kim chỉ nam” để hướng tới một không gian sống thực sự tiện nghi và hợp lý.
Một nhà ở hợp phong thủy là khi có được sự tổng hợp hài hòa của nhiều yếu tố khác nhau. Mỗi không gian chức năng đều sẽ đóng một vai trò riêng, ảnh hưởng trực tiếp, hoặc gián tiếp đến bố cục của tổng thể ngôi nhà.
Nếu như phòng khách là bộ mặt, phòng ngủ là nơi giữ gìn hạnh phúc gia đình thì phòng bếp lại là nơi giữ lửa, tiếp tế nguồn lương thực đảm bảo sức khỏe cho các thành viên mỗi ngày. Tại không gian nhà bếp, cả gia đình được quây quần cùng nhau bên những bữa cơm ngon, cùng trải qua những phút giây chuyện trò thoải mái sau một ngày làm việc vất vả. Sẽ không ngoa khi ví không gian phong thủy nhà bếp chính là trái tim của mọi ngôi nhà.
Có lẽ cũng chính bởi vậy mà phong thủy nhà bếp có ảnh hưởng vô cùng quan trọng đến không gian phong thủy nhà ở, góp phần mang lại nhiều may mắn, tài lộc cho gia đình nếu được đặt đúng cách. Nguồn năng lượng toát ra từ bếp chính là sức mạnh hữu hiệu nhất giúp ngăn chặn những yếu tố tiêu cực, giảm bớt tà khí cho ngôi nhà.
Tuy nhiên, nếu không may đặt bếp không đúng theo phong thủy có thể gây ra nhiều điều tai hại, thậm chí dẫn đến những hệ lụy không mong muốn cho sức khỏe cũng như tài vận của cả gia đình.
Vậy làm thế nào để bố trí phong thủy nhà bếp một cách hợp lý nhất? Hãy cùng tìm hiểu ngay nhé!
2. Cách bố trí phong thủy nhà bếp
Vị trí phong thủy nhà bếp
Theo kinh nghiệm được đúc kết bởi ông cha ta từ ngàn đời nay, phong thủy bếp tốt nhất khi được đặt tại vị trí “Tọa hung - Hướng cát”. Tức vị trí xấu nhưng phải quay về hướng tốt để bù trừ cho nhau, thu hút tài lộc.
Bếp sinh ra đã mang tính Hỏa. Sức mạnh từ lửa bếp bốc lên sẽ giúp thiêu rụi đi những điềm xấu, giúp gia chủ cải thiện tình thế, gặp dữ hóa lành.
Bên cạnh đó, một điều đại kỵ trong phong thủy nhà bếp là không đặt cửa bếp ở trên cùng một đường thẳng với cửa ra vào. Điều này sẽ dẫn đến nhiều mất mát về tiền tài, của cải, thậm chí về lâu về dài có thể khiến cho gia chủ lâm vào cảnh sức khỏe suy yếu, bệnh tật triền miên.
Hướng phong thủy nhà bếp
Nhất vị, nhị đến hướng. Xét theo quy luật phong thủy thì hướng bếp tốt nhất nên quay về phía Đông, Đông Bắc, Nam hoặc là Đông Nam. Đây có thể nói đều là các hướng hút lộc, đồng thời cũng đảm bảo sự thoáng mát, giúp cho các luồng sinh khí dễ dàng đi vào nhà.
Hướng phong thủy nhà bếp được xem là không tốt khi quay lưng lại với hướng cửa chính. Lúc này, người đứng nấu sẽ quay lưng về phía cửa, trong quan niệm phong thủy là hoàn toàn không nên.
Bố cục phong thủy nhà bếp
Khi thiết kế phong thủy nhà bếp, người ta thường sắp xếp theo các kiểu bố cục sau:
- Bố cục phong thủy bếp kiểu chữ I: Thường được sử dụng khi nhà bếp có diện tích nhỏ. Bồn rửa thường được đặt ở giữa tủ lạnh và bếp nấu để hạn chế tối đa việc di chuyển.
- Bố cục phong thủy bếp kiểu chữ L: Không gian bếp được bố trí ở 2 bức tường liền kề và vuông góc với nhau giúp cho không gian trông rộng rãi và tối giản hơn.
- Bố cục phong thủy bếp kiểu chữ U: Phù hợp với những phòng bếp có không gian diện tích lớn. Tủ lạnh, bồn rửa, khu vực lưu trữ được bố trí theo mô hình dòng chảy tam giác, tạo khoảng cách một cách tối đa, khá tiện lợi trong quá trình nấu nướng.
- Bố cục phong thủy bếp kiểu song song: Không gian bếp được bố trí tại 2 bên tường. Ở giữa là không gian dành cho lối đi, cho phép nhiều người có thể tham gia vào việc nấu nướng.
Nội thất phong thủy nhà bếp
Nội thất phong thủy nhà bếp nên được sắp xếp gọn gàng và hợp lý. Nếu nhà bếp có diện tích nhỏ, bạn nên tối giản hóa các vật dụng trong phòng để giúp không gian thêm sạch sẽ, thoáng mát và gọn gàng hơn.
Bếp nấu không nên để trực diện so với cửa ra vào, cũng không nên quay ngược lại với hướng nhà. Điều này sẽ làm mất đi tính riêng tư khi người đứng nấu ăn, gây ra cảm giác áp lực, không thoải mái. Đặc biệt, cần tránh đặt bếp ngay cạnh cửa sổ hay vật sắc nhọn sẽ ảnh hưởng xấu tới hòa khí gia đình.
Bồn rửa là nơi có nước, mang hành Thủy nên khá tương khắc với tính Hỏa của bếp. Do đó, bếp và chậu rửa nên được sắp xếp cách xa nhau, hoặc có vật chắn ở giữa để giảm bớt sự xung khắc. Vị trí đặt bồn tốt nhất nên là ở các hướng Đông, Đông Nam hoặc hướng Bắc.
Tủ lạnh cũng là một vật dụng tương đối quen thuộc với không gian phong thủy nhà bếp ngày nay. Khác với bồn rửa, tủ lạnh mang cả tính Hỏa và tính Kim. Khi đặt tủ, bạn không nên kê quá sát so với tường để giúp tủ thoát nhiệt, đồng thời tạo điều kiện cho không khí lưu thông dễ dàng. Tuyệt đối không đặt tủ gần bếp nấu. Khí nóng từ bếp bốc lên sẽ gây ra sự xung đột với hơi lạnh từ tủ, gây ra ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe cũng như tinh thần của các thành viên trong nhà.
Đối với nhiều gia đình thì không gian phong thủy bếp không chỉ là nơi nấu nướng mà còn là nơi gia đình cùng nhau quây quần bên những mâm cơm. Bởi vậy, bàn ăn nếu có thì nên được đặt tại vị trí khuất để đảm bảo tính riêng tư. Cần chú ý không nên đặt bàn ngay dưới xà nhà, dầm nhà, vừa ám chỉ những điều không may mắn, lại vừa khiến cho người ngồi ăn cảm thấy áp lực.
Lò vi sóng hiện nay đã không còn quá xa lạ đối với mỗi hộ gia đình. Tuy nhiên, lò vi sóng khi hoạt động sẽ tỏa ra những tia sóng, tác động không tốt đến sức khỏe con người. Do đó, nên đặt lò ở vị trí thoáng, đồng thời cách xa các thiết bị tỏa nhiệt khác để tránh làm tăng tính hỏa trong phòng.
Tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng mà mỗi gia đình sẽ có cách sắp xếp không gian và các thiết bị trong phong thủy nhà bếp khác nhau. Nhưng dù là nhiều đồ hay ít đồ thì một nguyên tắc bất di bất dịch là bạn luôn phải sắp xếp đồ dùng một cách gọn gàng, hợp lý. Ngoài ra, bạn có thể bố trí thêm một số cây xanh để giúp cho phong thủy bếp thêm phần tươi mới, mát mẻ hơn.
3. Phong thủy nhà bếp theo tuổi
Tư vấn về phong thủy nhà bếp theo tuổi, hãy cùng Nhà Ở Ngay tham khảo quy tắc phong thủy hướng bếp dưới đây nhé!
TUỔI |
HƯỚNG BẾP |
|
Tý |
Canh Tý, Bính Tý |
Bắc; Đông; Nam; Đông nam |
Mậu Tý, Nhâm Tý |
Đông nam; Đông; Nam; Bắc |
|
Giáp Tý |
Tây Bắc; Đông Bắc; Tây Nam; Tây |
|
Sửu |
Đinh Sửu và Tân Sửu |
Nam; Đông Nam; Bắc; Đông |
Kỷ Sửu, Ất sửu |
Tây; Đông Bắc; Tây Nam; Tây bắc |
|
Quý Sửu |
Đông; Đông Nam; Bắc; Nam |
|
Dần |
Mậu Dần và Nhâm Dần |
Tây Bắc; Đông Bắc; Tây Nam; Tây |
Canh Dần và tuổi Bính Dần |
Đông Bắc; Tây Bắc; Tây; Tây Nam |
|
Giáp Dần |
Tây Nam; Tây; Tây Bắc; Đông Bắc |
|
Mão |
Tân Mão, Đinh Mão |
Bắc; Đông; Nam; Đông Nam |
Kỷ Mão, Quý Mão |
Đông Nam; Nam; Đông; Bắc |
|
Ất Mão |
Tây Bắc; Đông Bắc; Tây Nam; Tây |
|
Thìn |
Giáp Thìn và tuổi Canh Thìn |
Đông; Bắc; Đông Nam; Nam |
Nhâm Thìn và Mậu Thìn |
Nam; Bắc; Đông Nam; Đông |
|
Bính Thìn |
Tây Nam; Tây; Tây Bắc; Đông Bắc |
|
Tỵ |
Ất Tỵ, Tân Tỵ |
Tây Nam; Tây; Tây Bắc; Đông Bắc |
Đinh Tỵ, Kỷ Tỵ |
Tây Bắc; Đông Bắc; Tây Nam; Tây |
|
Quý Tỵ |
Đông Bắc; Tây Bắc; Tây; Tây Nam |
|
Ngọ |
Canh Ngọ và Giáp Ngọ |
Đông Nam; Nam; Đông; Bắc |
Mậu Ngọ |
Bắc; Đông; Nam; Đông Nam |
|
Nhâm Ngọ, Bính Ngọ |
Đông Bắc; Tây Bắc; Tây; Tây Nam |
|
Mùi |
Tân Mùi, Ất Mùi |
Đông; Bắc; Đông Nam; Nam |
Kỷ Mùi |
Nam; Đông Nam; Bắc; Đông |
|
Quý Mùi, Đinh Mùi |
Tây; Tây Nam; Đông Bắc; Tây Bắc |
|
Thân |
Nhâm Thân, Bính Thân |
Tây Nam; Tây; Tây Bắc; Đông Bắc |
Mậu Thân và tuổi Canh Thân |
Tây Bắc; Đông Bắc; Tây Nam; Tây |
|
Giáp Thân |
Đông Bắc; Tây Bắc; Tây; Tây Nam |
|
Dậu |
Ất Dậu, Kỷ Dậu |
Bắc; Đông; Nam; Đông Nam |
Quý Dậu và tuổi Đinh Dậu |
Tây Bắc; Đông Bắc; Tây Nam; Tây |
|
Tân Dậu |
Nam; Đông Nam; Bắc; Đông |
|
Tuất |
Giáp Tuất và Mậu Tuất |
Tây; Tây Nam; Đông Bắc; Tây Bắc |
Bính Tuất, Canh Tuất |
Nam; Đông Nam; Bắc; Đông |
|
Nhâm Tuất |
Đông; Bắc; Đông Nam; Nam |
|
Hợi |
Quý Hợi |
Tây Nam; Tây; Tây Bắc; Đông Bắc |
Tân Hợi, Ất Hợi, Kỷ Hợi , Đinh Hợi |
Đông Bắc; Tây Bắc; Tây; Tây Nam |
4. Phong thủy nhà bếp theo mệnh
Khi bố trí phong thủy nhà bếp, người ta thường dựa theo đặc tính tương sinh, tương khắc của 5 loại vật chất tượng trưng cho 5 mệnh trong Ngũ hành. Theo đó, phong thủy hướng bếp theo mệnh được xác định như sau:
- Hướng phong thủy phòng bếp cho người mệnh Kim: Tây
- Hướng phong thủy phòng bếp cho người mệnh Mộc: Nam, Đông, Đông Nam
- Hướng phong thủy phòng bếp cho người mệnh Thủy: Bắc, Đông, Đông Nam
- Hướng phong thủy phòng bếp cho người mệnh Hỏa: Nam, Tây Nam, Đông Bắc
- Hướng phong thủy phòng bếp cho người mệnh Thổ: Tây Bắc, Đông Nam
5. Phong thủy nhà bếp - phòng khách
Ngày nay, cách thiết kế phong thủy nhà bếp và phòng khách liền nhau đã không còn quá xa lạ, đặc biệt là ở các chung cư và nhà phố. Cách thiết kế này mang đến giải pháp giúp tiết kiệm không gian một cách hiệu quả.
Có nhiều ý kiến cho rằng cách thiết kế này là không nên. Tuy nhiên, thực tế thì tùy thuộc vào điều kiện, sở thích cũng như nhu cầu sử dụng mà bạn có thể xem xét liệu có nên để bếp liền với phòng khách hay không.
Cần lưu ý là nếu đặt bếp nối liền với phòng khách thì bạn nên tạo sự phân tách giữa không gian hai phòng. Dùng vách ngăn hoặc tấm bình phong ở giữa chẳng hạn. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng màu sơn giữa không gian hai phòng sao cho phù hợp, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ, lại vừa đảm bảo không gian riêng tư giữa hai phòng nhé.
6. Phong thủy nhà bếp - nhà vệ sinh
Thông thường, khi thiết kế nhà ở, người ta hay sắp xếp nhà bếp và nhà vệ sinh ở gần nhau. Tuy vậy, hai không gian này lại vô cùng tương khắc, đối lập với nhau khiến cho không ít gia đình mắc phải các lỗi về phong thủy khi thiết kế.
5 sai lầm thường gặp khi thiết kế phong thủy nhà bếp và nhà vệ sinh:
- Phong thủy bếp và nhà vệ sinh nằm cạnh nhau: Cách thiết kế này khá mất thẩm mỹ. Chưa kể nhà vệ sinh là nơi chứa nhiều uế khí. Đặt bếp cạnh nhà vệ sinh sẽ khiến cho người ngồi ăn trong bếp khó mà ngon miệng được. Vi khuẩn từ nhà vệ sinh có thể bám vào thức ăn, gây ra những bệnh không mong muốn về đường tiêu hóa.
- Phong thủy bếp và nhà vệ sinh đối diện nhau: Bếp và nhà vệ sinh thuộc hai hệ sinh thái hoàn toàn khác biệt. Một bên là mang tính lửa, một bên lại là nước. Nước và lửa vốn đã không thuận hòa, gần nhau lâu ngày ắt sẽ gây xung khắc, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe cũng như tài lộc của gia đình.
- Phong thủy bếp và nhà vệ sinh trên/dưới nhau: Tương tự như việc đặt bếp và nhà vệ sinh đối diện nhau, việc đặt nhà vệ sinh ở trên/dưới bếp cũng là một điều đại kỵ. Vi khuẩn từ nhà vệ sinh rơi rớt sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và đường tiêu hóa của cả gia đình.
- Phong thủy bếp và nhà vệ sinh ở ngay trung tâm nhà: Đây là hai không gian riêng tư, tế nhị của gia đình. Nhiều mùi, tiếng ồn và có cả uế khí. Trong khi đó, trung tâm nhà là vị trí đón nhiều tài lộc, do đó không nên đặt bếp và nhà vệ sinh ở vị trí này.
- Phong thủy bếp và nhà vệ sinh đối diện với cửa chính: Cách thiết kế này còn được gọi với cái tên “hộ táo khẩu”, ám chỉ sự hao tài, dễ thất thoát tài chính, làm ăn không thuận lợi. Do đó, hoàn toàn không nên.
7. Phong thủy nhà bếp - phòng ngủ
Phong thủy nhà bếp và phòng ngủ là hai không gian riêng biệt với những công năng sử dụng khác nhau. Nếu như bếp là nơi giữ lửa và cung cấp nguồn dinh dưỡng nuôi sống cả nhà thì phòng ngủ là nơi tái tạo năng lượng, không gian cho ta thư giãn sau mỗi ngày làm việc mệt mỏi.
Tùy theo sở thích và nhu cầu mà mỗi hộ gia đình sẽ có cách sắp xếp không gian phong thủy nhà bếp và phòng khách sao cho hợp lý. Dưới đây là 3 lỗi phổ biến khi thiết kế phong thủy nhà bếp và phòng ngủ mà bạn cần tránh:
- Bếp nằm cạnh phòng ngủ: Bếp là nơi nấu ăn, khó tránh khỏi khói lửa, âm thanh và mùi. Phòng ngủ là nơi cần sự thoáng mát và không gian yên tĩnh. Nếu đặt bếp cạnh phòng ngủ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc nghỉ ngơi của người nằm trong phòng.
- Bếp nằm đối diện phòng ngủ: Tương tự như bếp nằm cạnh phòng ngủ, cách thiết kế này cũng là một điều đại kỵ, dễ khiến cho người nằm trong phòng nảy sinh tâm lý nóng nảy, từ đó ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ của các thành viên trong gia đình.
- Phòng ngủ ở ngay trên bếp: Đây là một lỗi phong thủy khá phổ biến hiện nay, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Cách bố trí này sẽ khiến cho hỏa khí từ bếp bay lên, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cũng như tinh thần của người nằm trong phòng ngủ.
8. Đại kỵ cần tránh trong phong thủy nhà bếp
Ngoài các kiến thức về phong thủy nhà bếp nêu trên, mỗi gia đình khi thiết kế không gian nhà bếp cũng cần lưu ý những điều sau:
- Không đặt bàn thờ trong nhà bếp
- Không đặt bếp và cầu thang trên/dưới nhau, sát khí vô cùng mạnh
- Tốt nhất không nên đặt bếp gần với phòng ngủ
- Không đặt bếp nấu và hướng bếp ngược với hướng nhà
- Không để cửa nhà đâm thẳng vào bếp
- Không đặt bếp nhìn trực diện ra cửa chính
- Kiêng đặt bếp sát tường với giường ngủ
- Kiêng đặt bếp ở khoảng không trống trải. Bếp tốt hơn nên tựa vào tường hoặc nơi vững chãi.
- Tránh đặt bếp ở vị trí có rãnh nước, mương
- Không để ánh mặt trời chiếu xiên từ hướng chính tây, ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe của mọi người trong nhà.
- Hạn chế tuyệt đối các góc nhọn chiếu thẳng vào bếp
- Kiêng đặt bếp ở góc tường.
- ….
Tóm lại: Trên đây đã là toàn bộ những thông tin cần biết về phong thủy nhà bếp. Hy vọng thông qua bài viết, bạn đã biết cách bố trí không gian tư vấn phong thủy nhà bếp của mình sao cho hợp lý rồi. Nếu bạn vẫn còn bất cứ thắc mắc nào, đừng ngần ngại cho chúng tôi biết bằng cách để lại một bình luận phía dưới nhé!