Trước khó khăn chung... một số quốc gia Đông Nam Á đã rục rịch mở cửa biên giới cho du khách nước ngoài. Nếu mở cửa thành công mà vẫn đảm bảo được an toàn, những nỗ lực để hồi sinh ngành du lịch hứa hẹn sẽ mang lại những tác động tích cực trong thời gian tới.

Hai năm trở lại đây, sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 khiến cho cả thế giới nói chung và các quốc gia Đông Nam Á nói riêng đang phải trải qua những tác động mạnh mẽ đến nhiều mặt của đời sống, kinh tế, xã hội… trong đó có du lịch. 

Trước khó khăn chung, nhiều quốc gia đã bắt đầu có những chiến lược riêng để phục hồi nền kinh tế - xã hội cũng như ngành du lịch quốc gia. Sau hơn 18 tháng hạn chế đi lại, một số quốc gia Đông Nam Á đã rục rịch mở cửa biên giới cho du khách nước ngoài. Nếu mở cửa thành công mà vẫn đảm bảo được an toàn, những nỗ lực để hồi sinh ngành du lịch hứa hẹn sẽ mang lại những tác động tích cực trong thời gian tới.

Những động thái mở cửa

Thái Lan là một trong những quốc gia Đông Nam Á đầu tiên tiến hành mở cửa đối với du khách đã được tiêm vaccine đầy đủ thông qua mô hình du lịch “Hộp cát” từ ngày 1/7.

Theo kênh tin tức truyền hình trả tiền Channel News Asia (CNA) thì ngành công nghiệp du lịch Thái Lan đã “gục ngã” khi đại dịch Covid-19 ập đến kéo theo các hạn chế liên quan khiến số lượng du khách quốc tế tới quốc gia này tụt xuống một cách đáng kể (từ mốc 40 triệu du khách năm 2019 xuống còn một mức rất nhỏ). Trong khi ngành du lịch chiếm đến 1/5 tổng thu nhập quốc dân của Thái Lan, điều này khiến cho nền kinh tế nước này lâm vào tình trạng tồi tệ nhất trong hơn hai thập kỷ qua.

Trong nỗ lực hồi sinh ngành du lịch, Thái Lan đã khởi động chương trình “Sandbox” (Hộp cát) vào tháng 7 với hai thiên đường du lịch nổi tiếng là Koh Samui và Phuket.

Chương trình Phuket Sandbox cho phép những du khách đã tiêm phòng đầy đủ từ các quốc gia được cho là có nguy cơ từ thấp đến trung bình được tự do đi lại trên hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng này trong 2 tuần (với điều kiện là họ có 2 lần xét nghiệm cho kết quả âm tính - lần thứ nhất là trước khi đến và lần thứ hai là sau khi đến). Sau 2 tuần này, du khách có thể di chuyển vào đất liền hoặc đến bất cứ nơi nào trên đất nước Thái Lan mà không cần phải cách ly y tế.

Tuy nhiên, hồi cuối tháng 9, cơ quan chức năng nước này đã cắt giảm thời gian lưu trú được yêu cầu xuống còn 1 tuần để phù hợp với những thay đổi của quốc gia đối với các quy tắc kiểm dịch. 

Theo thông báo từ Tổng cục Du lịch Thái Lan ngày 1/10, chương trình thử nghiệm đã được mở rộng với khoảng 80 quốc gia đã đủ điều kiện. "Điều này có nghĩa là Thái Lan hiện đang chào đón du khách từ bất kỳ quốc gia nào trên thế giới đến với chương trình Sandbox", cơ quan này cho biết.


Trong vòng 3 tháng, chương trình đã thu hút khoảng 41.000 người. Con số này thấp hơn nhiều so với mục tiêu mà Chính phủ Thái Lan đặt ra cho 90 ngày đầu tiên là 100.000 người (theo tờ New York Times đưa tin). Đặc biệt, nhiều người trong số này không phải là du khách nước ngoài mà là cư dân từ các nước khác trở về. Nếu so sánh, trong khi Phuket đón khoảng 10 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2019 thì đây là một kết quả khá khiêm tốn.

Tuy nhiên, các chủ doanh nghiệp nhỏ và nhà điều hành khách sạn cho biết, chương trình đã có những tác động tích cực đến nền kinh tế địa phương đang bị tàn phá cũng như góp phần lan tỏa tới các quốc gia Đông Nam Á khác. 

Sẵn sàng đối mặt với rủi ro

Từ ngày 11/1, du khách đến Thái Lan từ hơn 60 quốc gia (bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Ấn Độ và hầu hết châu Âu), đã được tiêm phòng đầy đủ và có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 khi đến sẽ có thể tự do tham quan tại quốc gia này.

Đối với du khách đã tiêm chủng nhưng đến từ các quốc gia không có trong danh sách có thể đến Bangkok và 16 khu vực khác, nhưng sẽ phải lưu trú tại đó trong vòng 7 ngày trước khi được phép đi đến các địa điểm khác trên đất nước Thái Lan.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho biết: "Tôi biết quyết định này đi kèm với một số rủi ro. Gần như chắc chắn rằng chúng tôi sẽ thấy sự gia tăng tạm thời các trường hợp nghiêm trọng khi chúng tôi nới lỏng các hạn chế này".

Tuy nhiên, đây là bước tiến lớn nhất mà Thái Lan đã tiến hành để chào đón sự trở lại của một phần trong số gần 40 triệu du khách mà nước này đã từng thu hút được trước khi Covid-19 bắt đầu. Đây cũng sẽ là “cuộc chiến” giành khách cam go khi nhiều quốc gia khác từ Australia cho đến Anh cũng đang nới lỏng dần các hạn chế liên quan đến Covid.

"Chúng tôi sẽ phải theo dõi tình hình rất cẩn thận và xem làm thế nào để kiềm chế và sống chung với tình trạng đó, bởi vì tôi không nghĩ rằng hàng triệu người phụ thuộc vào thu nhập tạo ra từ lĩnh vực dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí có thể đủ khả năng chịu thêm đòn đánh của việc lần thứ hai mất thu nhập từ kỳ nghỉ cuối năm", Thủ tướng Thái Lan cho biết.

Nếu bước thử nghiệm này thành công, nó có thể cứu vãn nền kinh tế đang bị tàn phá của nước này và cũng là một mô hình tiêu biểu cho các quốc gia khác học hỏi khi mở cửa trở lại.

Cảnh giác không bao giờ là thừa

Với cách tiếp cận tương tự, đảo Phú Quốc cũng sẽ được Việt Nam mở cửa cho du khách nước ngoài đã được tiêm phòng đầy đủ và có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 khi đến.

Động thái này là một phần của kế hoạch mở cửa lại các vùng của đất nước, cùng với việc Chính phủ tuyên bố sẽ cho phép người dân từ các quốc gia có nguy cơ thấp đến du lịch tại các điểm đến chính từ tháng 12, trong đó có Vịnh Hạ Long, Hội An, Đà Lạt và Nha Trang.

Theo kế hoạch do UBND tỉnh Kiên Giang ban hành (21/10), người dân và người lao động tại thành phố Phú Quốc sau khi được tiêm đầy đủ vaccine phòng ngừa, Phú Quốc sẽ thí điểm đón khách quốc tế từ ngày 20/11/2021 đến ngày 20/6/2022.

Việc thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc sẽ gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 triển khai trên cơ sở thử nghiệm để rút kinh nghiệm; Từ đó xem xét mở rộng quy mô trong giai đoạn 2.

Du khách sẽ được lựa chọn từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có độ an toàn cao về phòng, chống Covid-19 như châu Âu, Trung Đông, Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Bắc Mỹ…

Hành lang du lịch dành cho khách đã tiêm vaccine

Chính phủ Singapore đã thiết lập chương trình du lịch không cách ly y tế thông qua hệ thống “Vaccinated Travel Lane” (VTL) - tạm dịch, “Hành lang du lịch cho khách đã tiêm vắc-xin”. Theo đó, hành khách đã được tiêm chủng từ một số quốc gia được lựa chọn có thể nhập cảnh với điều kiện có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 48 giờ sau khi khởi hành.

Ra mắt vào tháng 9, hệ thống VTL kết nối Singapore với Đức và Brunei, đến ngày 18/10 mở rộng đến 8 quốc gia khác, bao gồm Canada, Đan Mạch, Pháp, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha, Anh và Mỹ. Việc mở rộng được tiến hành "thận trọng và từng bước" nhằm "khôi phục và xây dựng lại" vị thế của Singapore như một trung tâm hàng không quốc tế cùng với khả năng kết nối toàn cầu.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Singapore, S Iswaran, cho biết các hệ thống VTL sẽ góp phần khôi phục "việc đi lại hai chiều không cách ly y tế" giữa Singapore với 8 quốc gia mới kể trên. Ông cũng cho biết thêm, các hãng hàng không và Sân bay Changi, cùng với các cơ quan chính phủ khác nhau, đã thu được "kinh nghiệm quý báu" thông qua việc triển khai 2 tuyến du lịch cho khách đã tiêm chủng trong tháng qua.

Theo CAAS, giấy phép VTL đã được cấp cho 179 du khách đến từ Brunei và 4.497 du khách đến từ Đức để đi du lịch Singapore trong khoảng thời gian từ 8/9/2021 - 12/11/2021, với tổng cộng 1.926 người nhập cảnh vào Singapore tính đến hết ngày 8/10.

Trong đó, chỉ có 2 trường hợp nhiễm Covid-19 nhưng đều được phát hiện thông qua xét nghiệm PCR khi du khách đến Sân bay Changi.

Tiếp nối thành công, Singapore dự kiến sẽ tiếp tục mở VTL với Hàn Quốc từ ngày 14/11. Theo Bộ trưởng Iswaran, những quốc gia này nằm trong số 20 đối tác thương mại hàng đầu của Singapore: "Họ có những khoản đầu tư đáng kể, sự hiện diện kinh doanh mạnh mẽ và các cộng đồng lớn ở Singapore. Do đó, điều quan trọng là chúng tôi phải kết nối lại với họ sớm".

Cũng theo Bộ trưởng Iswaran, ban đầu sẽ có khoảng 3.000 du khách được phép vào Singapore mỗi ngày từ tất cả 11 quốc gia. "Chúng tôi sẽ theo dõi tỷ lệ phát sinh, quan sát nhu cầu, trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào về mở rộng hệ thống này" - ông nói.

Động thái gần đây nhất của Singapore để mở rộng hệ thống VTL là cho phép nhập cảnh miễn cách ly y tế đối với du khách đã tiêm vaccine đến từ Australia và Thụy Sĩ từ ngày 8/11.

Tiếp cận một cách thận trọng

Cũng mở cửa đón du khách quốc tế, song Indonesia và Malaysia lại có cách tiếp cận thận trọng hơn.

Chính phủ Indonesia thông báo rằng các điểm du lịch nổi tiếng trên đảo Bali và đảo Riau sẽ mở cửa đón khách du lịch nước ngoài đến từ 18 quốc gia từ ngày 14/10. Tuy nhiên, trái ngược với các nơi khác trong khu vực, du khách đến với Indonesia vẫn phải trải qua 5 ngày cách ly y tế, đồng thời vẫn phải mua bảo hiểm du lịch và ở khách sạn trong suốt thời gian cách ly nói trên.

“Ưu tiên quan trọng nhất là sức khỏe và sự an toàn của người dân Indonesia và bảo vệ họ khỏi những làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới” - Bộ trưởng Du lịch & Kinh tế Indonesia, Sandiaga Uno.

Tại Malaysia, các hạn chế đối với du lịch nội địa gần đây đã được dỡ bỏ như một phần của “Kế hoạch Phục hồi Du lịch”. Quần đảo Langkawi được mở cửa trở lại cho khách du lịch địa phương đã tiêm phòng kể từ hồi tháng 9.

Bên cạnh đó, Malaysia và Singapore gần đây đã bắt đầu đàm phán về việc mở cửa biên giới, trong khuôn khổ hành lang du lịch cho các du khách đã tiêm vaccine (VTL) nhưng mới chỉ giới hạn cho du khách di chuyển bằng đường hàng không chứ chưa được mở rộng ra các loại hình vận tải khác.

Bộ trưởng Du lịch, Nghệ thuật & Văn hóa Malaysia, Datuk Seri Nancy Shukri: "Về nguyên tắc, đề xuất này đã được cả 2 nước đồng ý, nhưng chưa được thông qua. Các cuộc thảo luận sẽ tiếp tục, và chúng tôi hy vọng đề xuất có thể được hiện thực hóa trước ngày 15/11, trước khi chương trình bong bóng du lịch quốc tế Langkawi được khởi động”.

Tiêm phòng vẫn đóng vai trò là chìa khóa quan trọng

Mặc dù các ca mắc Covid-19 trong thời gian gần đây vẫn đang gia tăng bất chấp do sự lây lan của biến thể Delta, song quyết định nới lỏng các hạn chế biên giới vẫn được thực hiện nhờ sự gia tăng tỷ lệ tiêm chủng, đặc biệt là đối với các thị trường nguồn chính.

Tiêm chủng góp phần làm giảm các ca nhiễm, giúp mang kế hoạch du lịch không cách ly y tế đến gần với thực tế hơn. 

Singapore là một trong số những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, gần 80% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ. Cùng với đó, Malaysia cũng đạt được tiến bộ mạnh mẽ với tỷ lệ tiêm chủng đã ở mức khoảng 66%.

Tuy nhiên, ngoài hai nước kể trên thì các nước khác trong khu vực Đông Nam Á vẫn đang có tỷ lệ tiêm chủng tương đối thấp. Cụ thể: Thái Lan (33%), Indonesia (21%), Việt Nam (16%)... (số liệu từ Our World in Data).

Để giảm thiểu rủi ro sức khỏe trên diện rộng, nhiều quốc gia đã ưu tiên triển khai tiêm chủng tại các vùng du lịch trọng điểm. Điển hình như Thái Lan đã tiêm phòng cho 70-80% cư dân ở Phuket.

Theo dữ liệu từ SCMP, tỷ lệ tiêm chủng toàn quốc của Thái Lan rơi vào khoảng 35% nhưng riêng đảo du lịch Phuket đã tiêm chủng với tỷ lệ 7/10 cư dân của họ trước khi chương trình Phuket Sandbox được ra mắt vào tháng 7.

Việt Nam cho biết cũng sẽ tiêm phòng đầy đủ cho người dân tại Phú Quốc trước khi tiến hành mở cửa đón du khách quốc tế.

Ở Indonesia, khoảng 98% dân số ở Bali đủ điều kiện đã được tiêm ít nhất một liều trong khi hơn 80% dân số được tiêm đầy đủ. Trong khi đó, ở quần đảo Riau, những tỷ lệ này lần lượt là 83% và 58%.

Nếu như những động thái này thu hút thành công lượng lớn du khách mà không làm ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của người dân đất nước thì nó hứa hẹn sẽ mang lại những tác động lan tỏa tích cực trong khu vực.

Dự kiến, khi động thái mở cửa trở lại lan rộng hơn nữa, các nước cần theo đuổi sự hài hòa, công nhận lẫn nhau về các tiêu chuẩn cũng như giao thức để tăng trưởng cả dòng chảy trong và ngoài khu vực. Từ đó, sự mở cửa đơn phương và bong bóng du lịch song phương có thể sẽ mang đến những kết quả đa phương, rộng lớn hơn cho khu vực Đông Nam Á.