Quy hoạch treo là gì? Những dự án quy hoạch treo? Có được xây nhà trên đất quy hoạch treo không?

Quy hoạch treo là tình trạng không hiếm gặp tại Việt Nam. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng quy hoạch treo. Nhưng dù là vì lý do gì thì việc không thực hiện hay chậm thực hiện theo quy hoạch cũng gây lãng phí giá trị quyền sử dụng đất.

quy-hoach-treo

Quy hoạch treo là gì?

Luật pháp Việt Nam không quy định cụ thể khái niệm quy hoạch treo là gì. Hiểu một cách đơn giản, quy hoạch treo là quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, đã công bố nhưng không thực hiện theo đúng kế hoạch, tiến độ.

7 loại quy hoạch treo phổ biến:

  • Quy hoạch sử dụng đất.
  • Quy hoạch chung xây dựng đô thị.
  • Quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị.
  • Quy hoạch giao thông thủy lợi.
  • Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội.
  • Quy hoạch ngành công – nông nghiệp, y tế, an ninh, thể thao, du lịch, thương mại…

Những dự án quy hoạch treo tại Hà Nội

Quy hoạch treo, dự án treo có nhiều nguyên nhân: Đội ngũ cán bộ quy hoạch chưa có đủ năng lực; Các dự án quy hoạch không có kế hoạch toàn diện; Quản lý quy hoạch phê duyệt yếu kém; Triển khai không đồng bộ; Tiến độ triển khai không đảm bảo kế hoạch; Quy hoạch chồng chéo, không thống nhất nên khó thực hiện; Không đảm bảo sử dụng đúng và đủ nguồn tài chính dẫn đến bị thất thoát; Không dung hòa được lợi ích của người dân và chính quyền dẫn đến gây áp lực cho nhà đấu thầu, đầu tư...

Thực tế, hiện tượng quy hoạch treo đã diễn ra tại Thủ đô Hà Nội từ hàng chục năm nay, thậm chí có những dự án kéo dài đến 46 năm vẫn chưa hoàn thành.

  • Dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô (Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng)
  • Dự án Công viên Cầu Giấy có diện tích khoảng 71 ha (giao cắt giữa quận Cầu Giấy và quận Nam Từ Liêm) bị bỏ hoang nhiều năm, treo không thời hạn
  • Dự án Công viên hồ điều hòa Nhân Chính
  • Dự án Trấn Sông Hồng (Song Hong City) được phê duyệt quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 từ năm 1995 và đến nay đã hơn 25 năm.

Thạc sỹ Nguyễn Hồng Hạnh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế xây dựng và đô thị, Tổng hội Xây dựng Việt Nam phân tích, dự án công viên, cây xanh… phục vụ nhu cầu công cộng thường hay bị “treo”, không có nhà đầu tư tham gia, còn ngân sách nhà nước thì có hạn. Nếu các dự án ở vị trí “đất vàng” được chuyển đổi sang xây dựng nhà để bán, thì các nhà đầu tư đã đổ xô.

hang-tram-quy-hoach-treo-tai-ha-noi

Hàng trăm quy hoạch treo tại Hà Nội

Xem thêm: Hà Nội: Hàng trăm dự án chung cư "đắp chiếu" ngay giữa lòng Thủ đô

Có được xây nhà trên đất quy hoạch treo không?

Theo Khoản 5 Điều 94 Luật Xây dựng 2014:

“5. Đối với công trình, nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực đã có quy hoạch phân khu xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì không cấp giấy phép xây dựng có thời hạn cho việc xây dựng mới mà chỉ cấp giấy phép xây dựng có thời hạn để sửa chữa, cải tạo”.

Theo đó, nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực theo quy định trên thì không được xây dựng mới mà chỉ được phép sửa chữa, cải tạo nếu có giấy phép.

Tuy nhiên, từ ngày 01/01/2021, quy định trên được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 33 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 như sau:

“5. Đối với công trình xây dựng, nhà ở riêng lẻ thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì không cấp giấy phép xây dựng có thời hạn cho việc xây dựng mới mà chỉ cấp giấy phép xây dựng có thời hạn để sửa chữa, cải tạo.

Trường hợp sau 03 năm kể từ ngày công bố kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được công bố mà không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất được quyền đề nghị cấp giấy phép xây dựng có thời hạn theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này”.

Như vậy, từ ngày 01/01/2021, nếu đất thuộc diện quy hoạch nhưng cơ quan có thẩm quyền chưa thu hồi để thực hiện dự án (quy hoạch treo) thì người sử dụng đất được quyền đề nghị cấp giấy phép xây dựng có thời hạn (thời hạn theo kế hoạch thực hiện quy hoạch xây dựng). Điều này đồng nghĩa khi được cấp giấy phép thì cũng chỉ là xây dựng có thời hạn, không được sử dụng lâu dài như các khu vực khác.

Xem thêm nhiều thông tin hữu ích tại đây.